Hôm nay bàn về việc tại sao cần phải học, mà học là học như thế nào, học kiểu gì? Bài này không viết về lao công, cũng chả viết về việc đọc sách, nhưng gần đây mình nhận được kha khá những câu hỏi giống như vậy.
“Em muốn sau này làm IT thì quan tâm đến mỹ thuật để làm cái gì?”
“Học cái gì kiếm ra tiền thì tôi mới học.”
Mình không nghĩ những câu hỏi này là sai, bởi vì đúng là làm trong ngành làm đẹp đâu cần đọc sách, làm IT đâu cần biết cảm thụ nghệ thuật, và học cái gì kiếm ra tiền cũng vô cùng chính đáng.
Thậm chí, bản thân mình cũng hay bị hỏi là làm khoa học mà sao rành về nghệ thuật, lịch sử, văn hóa quá vậy. Làm khoa học mà tại sao lại thích đi nghiên cứu về ngôn ngữ?
Để trả lời thích đáng cho những nghi vấn này thì phải xuất phát từ việc tôn trọng lẫn nhau. Gần đây mình cũng nhận ra và hoàn toàn chấp nhận là có những người có lối sống và suy nghĩ rất thực tế và vật chất, tức là cái gì phục vụ cho việc tôi kiếm nhiều tiền thì tôi làm. Tuy nhiên, cũng có người coi trọng các giá trị tinh thần hơn, và nghĩ là tiền nhiều thì để làm cái gì.
Riêng mình thì thấy như vầy. Mình học được từ các Thầy của mình là tất cả chúng ta đều là ếch ngồi đáy giếng, chỉ là miệng giếng của ai to hơn mà thôi. Mình cũng học được một điều là tài sản, vật chất mà mình có được là sản phẩm phụ của giá trị mình mang lại cho thế giới, cho những người xung quanh. Quy luật nhân quả là vậy, gieo cái gì thì gặt lại cái nấy.
Con người bạn đang theo đuổi là gì? Các giá trị bạn muốn mang lại cho xã hội là gì? Mình không thể trả lời thay cho người khác tại sao họ cần học hoặc không cần học, nhưng mình có thể trả lời cho mình. Đối với mình, việc học là không bao giờ ngừng nghỉ. Sứ mệnh của mình là tạo cầu nối và trao đi những giá trị tinh thần cho thật là nhiều người. Vì vậy việc mình chỉ giỏi chuyên môn của mình về khoa học là không hề đủ, nó chỉ là một viên gạch trên một bức tường.
Việc trải nghiệm, trau dồi ở nhiều lĩnh vực nó cho mình một vốn sống dồi giàu, mở rộng tầm mắt của mình, để mình thấy được thế giới qua nhiều lăng kính khác nhau. Việc giao thoa với nhiều loại người, nhiều lĩnh vực giúp mình tự đánh giá kiến thức, sự hiểu biết của mình để rồi nâng cấp và củng cố thêm chúng.
Khi con người không ngừng học hỏi, phát triển và tiến bộ thì trong người, trong tâm nó nhẹ lắm, vì mình không bị bó buộc bởi bất cứ suy nghĩ, tư duy, rào cản xã hội nào. Bởi vậy, học, học nữa, học mãi theo mình là đúng. Còn học ở đâu, bằng cách nào thì đó là nội dung của một bài khác.
Thân ái,
The 2-percenter